Bộ Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ đánh giá thực chất, khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Ngày 11.8, UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 2535/QĐ-UBND Bộ Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC) của các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là Bộ Chỉ số CCHC); thay thế Quyết định số 2878/QĐ-UBND ngày 8.7.2021. Chỉ sau 1 năm, Bộ Chỉ số CCHC đã thay đổi, cho thấy sự quan tâm của chính quyền tỉnh đối với công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn.
Tiêu chí cụ thể, đẩy nhanh tiến độ đánh giá
Đối tượng áp dụng của Bộ Chỉ số CCHC là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; BHXH tỉnh, Cục Hải quan Bình Định, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 52 tiêu chí, 27 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 điểm; trong đó, điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học là 40 điểm.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC có 9 lĩnh vực đánh giá, 54 tiêu chí, 31 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 điểm; trong đó, điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học là 40 điểm.
Còn Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh gồm 3 lĩnh vực đánh giá, 14 tiêu chí, 7 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 điểm; trong đó, điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học là 75 điểm.
Theo quy định, trước ngày 31.12 của năm đánh giá, các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành công tác đánh giá, tự chấm điểm Chỉ số CCHC và gửi kết quả về Sở Nội vụ. Trước ngày 31.1 năm kế tiếp của năm đánh giá, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị được phân công tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả Chỉ số CCHC.
Đây là điểm đáng chú ý; bởi nhiều năm trước, kết quả Chỉ số CCHC thường được công bố vào khoảng giữa năm kế tiếp của năm đánh giá, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình CCHC.
Sát thực tế, định lượng cao
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, Bộ Chỉ số CCHC được ban hành lần này đã bám sát nội dung Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Với các tiêu chí, tiêu chí thành phần cụ thể, chi tiết trên từng lĩnh vực, Bộ Chỉ số CCHC sẽ góp phần đánh giá chính xác, khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hằng năm của từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: M.LÂM
Trong đó, về lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có 4 tiêu chí thành phần. Theo ông Lê Văn Toàn, để đạt được số điểm tối đa, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh phải đầu tư nhân lực, nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản; phải xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch và thực hiện chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời.
Phó Chánh Văn phòng Sở TN&MT Hồ Đắc Khánh cho rằng, Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh mới ban hành sát với tình hình thực tế, mang tính định lượng cao, bổ sung một số điểm mới; đặt ra yêu cầu cao hơn cho các cơ quan trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
“Bộ tiêu chí đã bổ sung 2 nội dung có điểm thưởng là có nội dung đột phá thực hiện nhiệm vụ CCHC và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch CCHC hằng năm, tạo điều kiện để các cơ quan thi đua, có nhiều biện pháp thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ CCHC”, ông Khánh nhận định.
Trong khi đó, Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC đối với UBND cấp huyện đã cập nhật kịp thời nhiều tiêu chí liên quan đến quá trình xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Điển hình như các tiêu chí: Tỷ lệ UBND cấp xã cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng số giao dịch thanh toán của các thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến; Thực hiện tiếp nhận hoặc trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích…
Trưởng phòng Nội vụ TX An Nhơn Nguyễn Hữu Nhơn bày tỏ sự quan tâm đến các tiêu chí về Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và Kết quả giải quyết TTHC (cấp huyện, cấp xã). “Điểm số liên quan đến các tiêu chí này càng cụ thể, càng chi tiết khiến cho chính quyền các cấp càng quan tâm hơn đến trách nhiệm của từng cá nhân trực tiếp tham gia quy trình giải quyết TTHC. Từ đó, quy trình thực hiện càng chặt chẽ, gắn với giám sát tiến độ hồ sơ ở từng công đoạn, từng con người cụ thể”, ông Nhơn nói.
Tác giả: Quản trị Web
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu (1822—1888), về phương diện chủ quan cũng như khách quan, đều có những điểm hết sức đặc biệt, ông sống trong một giai đoạn nước nhà cố những cơn nguy biến lớn, ở vào một bước gay go của lịch sử. Nhân dân ta tiến hành một cuộc chiến đấu quyết liệt chống kẻ thù, những...